Lịch sử sản xuất T-80

Sự ra đời của T-80 có liên quan tới quá trình đưa động cơ tuốc bin khí vào sử dụng trong bộ đội tăng thiết giáp Liên Xô. Chúng ta được biết T-80 là loại tăng chủ lực đầu tiên của Liên Xô dùng động cơ tuốc bin khí. Nhưng kế hoạch chế tạo xe tăng dùng động cơ loại này đã có từ năm 1949, thiết kế bởi kỹ sư nhà máy Kirov tên là A. Ch. Stariostienko. Có điều, chất lượng của động cơ tuốc bin khí lúc đó lại quá kém do trình độ luyện kim chưa đáp ứng được, rồi kết cục dự án bị dừng lại. Nhưng năm 1955, cũng tại nhà máy Kirov, hai động cơ mẫu công suất 1000 mã lực đã được chế tạo thành công dưới sự chỉ đạo của G.A.Oglobin. Đến năm 1957 thì đội thiết kế xe tăng của kỹ sư nổi tiếng Z.J.Kotin lại cho ra đời hai mẫu tăng dùng tuốc bin khí tên là Obyekt 278 (kế hoạch 278) dựa trên các mẫu tăng hạng nặng IS-7T-10. Động cơ mới đã nâng tốc độ xe lên 57,3 km/h nhưng xe chỉ chạy được 300 km do bình xăng nhỏ (1950 lít). Obyekt 178 sau đó bị đình chỉ và được xem như mẫu thử nghiệm. Năm 1963 ở nhà máy Uralvagonzavod nhóm của L.N.Kracew thiết kế mẫu Obyekt 167 động cơ tuốc bin khí GTD-3T 801 mã lực.

Phiên bản T-80 đầu tiênPhiên bản T-80BV trưng bày năm 1991Phiên bản T-80U năm 2002Phiên bản T-80BVM năm 2018

Khi T-64 đã thay thế vai trò của xe tăng hạng nặng như IS-7 và T-10 thì người ta cũng thử sản xuất những mẫu T-64 mới mang động cơ tuốc bin khí. Cùng năm 1963 tại cục thiết kế Morozov mẫu T-64T thử nghiệm dùng động cơ GTD-3TL 700 mã lực được sản xuất đồng thời với T-64 dùng động cơ truyền thống. T-64T được thử nghiệm cho đến năm 1965. Năm sau mẫu tăng bắn tên lửa Obyekt 288 ra đời, mang 2 động cơ GTD-350 với tổng công suất 691 mã lực. Tuy nhiên, ngay sau đó người ta nhận ra rằng hệ thống 2 động cơ cũng không tốt hơn hệ 1 động cơ, nhất là những động cơ được sản xuất tại nhà máy Kirov KB-3 (LKZ) hay WNII Transmasz kế từ năm 1968 trở đi. Thí dụ như mẫu T-64T "Obyekt 291 SP1" (1969) do nhà máy LKZ chế tạo trang bị động cơ GTD-1000T công suất tới 1000 mã lực. Đến đây thì một vấn đề mới phát sinh: hệ thống bánh xích cũ không còn phù hợp với các loại động cơ mới công suất cực lớn và việc xe tăng Liên Xô càng ngày càng nặng. Thế là, cùng năm, mẫu T-64 "Obyekt 291 SP2" ra đời với đĩa bánh xích truyền động (drive sprocket) to hơn, thêm trục lăn hồi chuyển (return roller) và số bánh xích tăng từ 4 lên 5 cặp. Cấu trúc tháp pháo, súng chính 2A46 125mm, hệ thống nạp đạn tự động, nơi chứa đạn và một số trang bị khác được thiết kế giống T-64A. Obyekt 291 SP2 được LKZ liên tục cải tiến suốt bảy năm sau đó, rồi cuối cùng chính thức đi vào hoạt động dưới cái tên T-80.

Như vậy, rõ ràng T-80 là một hậu duệ trang bị động cơ tuốc bin khí của T-64 nên, dĩ nhiên nó mang những tính năng đặc trưng của dòng họ mình. Có một điều thú vị là nhiều chuyên gia quân sự, nhất là phương Tây hay lầm lẫn giữa T-64, T-80 với một xe tăng nổi tiếng khác của Liên Xô: T-72. Có sự nhầm lẫn này vì các xe tăng Liên Xô từ T-62 trở đi thường có vẻ ngoài hao hao như nhau. Đặc biệt bộ ba T-72, T-64, T-80 nếu không quan sát kỹ thì cứ tưởng là cùng một loại xe (mặc dù T-64 ngắn hơn T-80 chừng 90 cm), các mẫu nâng cấp về sau lại càng khó nhận biết. Nhưng thực chất là hai dòng này khác nhau hoàn toàn. Chúng chỉ giống nhau vẻ bề ngoài mà thôi.

  • T-80 là hậu duệ trực tiếp của T-64, còn T-72 là bản nâng cấp của T-62 cộng thêm một số trang thiết bị của T-64. Vì vậy cấu trúc bên trong của T-72 khác biệt rõ rệt so với T-64 và T-80. Nhìn chung, T-80 có hệ thống điều khiển hỏa lực, kính ngắm ban đêm... hiện đại hơn hẳn so với T-72.
  • T-80 và T-64 chỉ được sản xuất hạn chế, hiếm khi xuất khẩu, thường trang bị cho những lực lượng tinh nhuệ của Liên Xô và chỉ đóng ở những vùng xung yếu của các nước khối Warswav (như Đông Đức). T-72 thì được sản xuất đại trà, đóng vai trò như xương sống của bộ đội tăng thiết giáp Liên Xô cùng nhiều quốc gia khác. Vì vậy T-80, T-64 mạnh hơn nhưng đắt hơn, phức tạp, khó sản xuất hơn T-72.
  • T-72 cùng hậu duệ của nó là T-90 được sản xuất tại nhà máy Uralvagonzavod tại Niznhy Tagil, còn T-64, T-80 được thiết kể bởi cục SKB-2 tại nhà máy Kirov ở Leningrad (LKZ), về sau chuyển giao cho cục Omsk Transmask ở Siberia.

Do các tính năng mới ưu việt của nó, T-80 xứng đáng là người viết tiếp những huyền thoại về T-64. Thật vậy, trong suốt hơn một phần tư thế kỷ tồn tại, T-80 cùng với T-72 và T-90 là những xe tăng chủ lực của quân đội Liên Xô và Nga sau này. Tất nhiên, để đổi lấy tính năng cao cấp, giá thành của T-80 là khá đắt: phiên bản đời đầu T-80 (Model 1976) đã tốn chi phí 480.000 rúp (trong khi T-64A chỉ 143.000 rúp), còn phiên bản cải tiến T-80U (năm 1986) tốn tới 824.000 rúp (~800-900 ngàn USD theo tỷ giá thời đó), trong khi T-72B chỉ có giá 280.000 rúp.

Tuy nhiên, mức giá đắt của T-80 là khi so sánh với các xe tăng khác của Liên Xô. So với xe tăng phương Tây thì giá của T-80 vẫn khá rẻ. Ví dụ như xe tăng M60A3 của Mỹ có giá tới 1,69 triệu USD (thời giá 1985)[10]

Tới đầu thế kỷ 21, dù được liên tục cải tiến và nâng cấp, T-80 và T-72 vẫn dần dần trở nên lạc hậu trong khi T-90 chỉ là giải pháp tình thế (mặc dù là giải pháp tình thế rất hiệu quả). Hiện tại, giới quân sự Nga đã từ bỏ việc phát triển tiếp thế hệ mới của dòng T-80 bởi các lý do sau:

  • Nhà máy Morozov chế tạo T-80 hiện nay thuộc về Ucraina, Nga không có bản quyền sản xuất dòng xe tăng này. Do vậy, Nga không sản xuất mới T-80 mà chỉ nâng cấp những xe hiện có lên phiên bản hiện đại (ví dụ như T-80BVM, T-80UM2).
  • Do tình hình thế giới đã thay đổi, đối thủ chủ yếu của xe tăng Nga hiện nay không phải là các binh đoàn thiết giáp địch, mà là các đơn vị du kích mang súng và tên lửa chống tăng. Trong kiểu tác chiến này, dòng xe tăng đắt đỏ chuyên về đấu xe tăng như T-80 sẽ không có dịp phát huy ưu điểm, trong khi nhược điểm thì lại bộc lộ rõ. Trong cuộc các chiến tranh Chechnya năm 1994-2001, các mẫu T-80BV bị phàn nàn là khó bảo dưỡng hơn T-72, động cơ tốn nhiều nhiên liệu, trong khi ưu điểm của T-80 là khả năng đấu tăng mạnh (cơ động cao, hệ thống điều khiển hỏa lực hiện đại) thì lại không cần tới vì đối thủ gần như chẳng có chiếc xe tăng nào.

Thêm nữa, T-90 mặc dù là giải pháp tình thế nhưng đã tỏ ra hiệu quả hơn, nó đã được trang bị rộng rãi cho quân đội Nga và được nhiều nước ưa chuộng. Nhu cầu trong nước về T-80 giảm nhanh chóng trong khoảng thời gian gần đây khiến cục Omsk Transmask, nơi sản xuất T-80 gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, không ngạc nhiên khi Omsk đang cố gắng hướng tới những khách hàng ngoại quốc tiềm năng hơn, dẫn tới việc là T-80 đang dần được sản xuất theo hướng chủ yếu là xuất khẩu (một điều thú vị là việc này lại trái với truyền thống xưa nay của T-64 và T-80: xe tăng tinh nhuệ sản xuất trong nước, ít xuất khẩu).

T-80UD "Beryoza" (cây bulô)

Bài chi tiết: T-84

Song song với T-80U, năm 1985 cục Morozov ở Ukraina cũng cho ra đời mẫu T-80UD dùng động cơ diesel 6 xilanh 6TD-1 1000 mã lực. Mặc dù công suất thấp hơn động cơ tuốc bin khí nhưng hiệu suất cao hơn, đảm bảo hành quân tốt trên những chặng đường dài. Động cơ có thể chịu nóng tới 55 độ C và vẫn hoạt động tốt khi xe lặn sâu 1,8m. Mẫu xe tăng mới này mang tên T-80UD Beryoza (có nghĩa là cây bulô). T-80UD giống như T-80U, nhưng khoang động cơ, ống phun khói và nơi sắp xếp đồ vật ở tháp pháo có thiết kế khác. Khác T-80U, T-80UD vẫn dùng khẩu súng máy phòng không điều khiển từ xa của xa trưởng.

T-80UD được sản xuất chủ yếu ở nhà máy Malysheva đường phố Morozova Kharkov UA. Trong khoảng 1987-91 có 500 chiếc được chế tạo, trong đó đến 300 chiếc phục vụ trong quân đội Ukraina – nơi nó ra đời – sau khi Liên Xô tan rã. Vì vậy hình ảnh T-80UD gắn liền với Ukraina. Tuy nhiên, Nga lại chia sẻ bản quyền của T-80UD, thế là việc hợp đồng bán 320 chiếc T-80UD cho Pakistan bị đình trệ giữa chừng do Nga từ chối cung cấp tháp pháo cùng nhiều chi tiết khác cho Ukraina. Ukraina buộc phải tự phát triển các mẫu T-80UD 100% trong nước để có thể tự do bán "cây bulô" của mình. Đó cũng là lý do ra đời của T-84.

T-80UM2

Bài chi tiết: Xe tăng Black Eagle

Phiên bản mới nhất của T-80U đang được phát triển là loại T-80UM2 hay Black Eagle, nhằm mục đích có khả năng chống lại các mục tiêu khi đang dừng hay đang chuyển động. Nó có tháp pháo thép đúc liền với giáp ERA ở trước thân và quanh tháp pháo, một hệ thống nạp đạn tự động và vị trí xếp đạn dược được dời ra khung tháp pháo để tăng tỷ lệ sống sót. Các cải tiến khác gồm một hệ thống kiểm soát bắn computer, ống ngắm hình ảnh nhiệt cho chỉ huy và pháo thủ và hệ thống Antene trả đũa tích cực.

Cùng với việc tìm kiếm khách hàng ngoại quốc, Omsk Transmask đang cố gắng lấy lại lòng tin của quân đội Nga bằng những mẫu tăng mới hiện đại. Rất có thể T-80 sẽ lại tung cánh trên bầu trời Nga, nhưng xét tình hình Omsk Transmask hiện nay, việc chú đại bàng lông đen bị bán ra nước ngoài cũng không nằm ngoài dự đoán.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: T-80 http://www.army-technology.com/projects/t80/ http://www.inetres.com/gp/military/cv/tank/T-80.ht... http://www.popularmechanics.com/technology/militar... http://survincity.com/2013/10/of-kmz-complex-produ... http://www.youtube.com/watch?v=gG2zb9iVvt8 http://www.kotsch88.de/f_agava-2.htm http://www.kotsch88.de/f_nocturne.htm http://www.jedsite.info/tanks-tango/tango-numbers-... http://www.knox.army..mil/center/ocoa/ArmourMag/ja... http://www.globalsecurity.org/military/world/belar...